Dưới sự dẫn dắt của bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ HPDF (Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM), cuộc tọa đàm hướng đến nội dung: Thị trường biên dịch Việt Nam hiện nay đang hoạt động rất sôi nổi với sản phẩm trải rộng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa...; tuy nhiên, chưa có một phác họa toàn cảnh về sản phẩm và thị trường này, cụ thể về nhu cầu của thị trường (lĩnh vực nào, loại ấn phẩm nào cần nhất/thiếu nhất?), đội ngũ biên dịch viên chuyên nghiệp hiện nay ra sao, chất lượng biên dịch như thế nào, đào tạo như thế nào để góp phần đáp ứng yêu cầu đó? Việc thảo luận các vấn đề trên là cần thiết cho tương lai chuyên nghiệp hóa của nghiệp vụ và thị trường này, phục vụ cho sự phát triển toàn diện và hội nhập của Việt Nam.
Đánh giá về thực trạng công tác biên dịch hiện nay ở Việt Nam, ông Nguyễn Thành Nam - Phó Giám đốc NXB Trẻ cho biết, đội ngũ dịch giả hiện nay vừa thừa vừa thiếu. Thừa vì nhiều trường có ngành đào tạo biên dịch, đội ngũ dịch giả trẻ ngày càng đông, song đa số là mảng sách văn học. Những đề tài khó như sách khoa học, chuyên ngành thì lại thiếu dịch giả. Xét về ngôn ngữ, dịch giả tiếng Anh hiện đang thừa, trong khi ngôn ngữ hiếm như tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha thì thiếu.
Cũng theo ông Nam, trong quá khứ đã có những dịch giả gắn liền tên tuổi của mình với tác phẩm như dịch giả Nguyễn Hiến Lê, song đội ngũ dịch giả trẻ hiện nay không có được những thành tựu như vậy. Dịch thuật là một công việc khó khăn, đòi hỏi đầu tư nhiều công sức, song thù lao còn thấp nên dịch giả khó sống bằng nghề; vì thế ít dịch giả cống hiến cuộc đời mình cho công việc này mà chỉ coi đó là nghề tay trái.
Theo bà Trần Thị Khuyên - Phó Giám đốc Alpha Books, do sản phẩm của công ty là dòng sách chuyên sâu, nhất là những sách về tri thức tiên tiến và mới nhất của thế giới nên công ty thuê ngoài 100% mảng dịch thuật với mong muốn tận dụng được đội ngũ dịch giả không chỉ giỏi ngoại ngữ mà có hiểu biết đa dạng cũng như kiến thức chuyên ngành. Tuy nhiên thị trường dịch có tình trạng vàng thau lẫn lộn, nhiều công ty dịch thuật chỉ nhận “thầu” rồi thuê lại và dùng dịch giả không có kinh nghiệm, năng lực để giảm thiểu chi phí, nên chất lượng bản dịch kém. Bên cạnh đó, nhiều dịch giả trẻ coi đó là một nghề tay trái để kiếm thêm chứ không có tình yêu với sách. Chính những nguyên nhân này dẫn đến tình trạng chất lượng dịch thuật không đảm bảo.
Bà Khuyên gợi ý, để khắc phục tình trạng này, dịch thuật phải được coi là một nghề nghiệp, có quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức như các nghề khác. Dịch thuật, nhất là dịch sách không chỉ đơn thuần là chuyển ngữ nên người dịch cần hiêu biết sâu về chuyên môn để đồng sáng tạo với tác giả. Dịch giả cần có chứng chỉ hành nghề như một cách đảm bảo cả chất lượng chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp như trong các ngành nghề khác.
Từ góc độ dịch giả, nhiều người cho rằng chất lượng dịch thấp là do thù lao dịch thuật hiện nay khá thấp và không đủ nuôi sống dịch giả. Về khía cạnh này, bà Tôn Nữ Thị Ninh đặt câu hỏi, dịch giả kêu ca về mức thù lao thấp, song vấn đề là “họ bán thứ gì?”. Nhiều người trẻ sẵn sàng “bán” những sản phẩm chất lượng thấp và điều này góp phần tạo nên một thị trường tạp nham, vàng thau lẫn lộn. Một thị trường với sản phẩm chất lượng thấp không thể phát triển được, đương nhiên quay lại vòng luẩn quẩn là thù lao thấp. Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, làm nghề thì phải yêu nghề và làm một cách đàng hoàng và tử tế thì vẫn sống được bằng nghề. Chính vì vậy, nói theo cách của dịch giả Hoàng Thúy Toàn là phải “dịch thật”, làm thật chứ không thể làm bừa, làm ẩu như nhiều dịch giả trẻ hiện nay.
Đồng ý với quan điểm rằng công việc dịch thuật đóng vai trò rất quan trọng không chỉ trong việc đưa các tri thức tiên tiến trên thế giới về Việt Nam nhằm nâng cao tri thức của người dân trong nước, giúp Việt Nam hội nhập tích cực, chủ động hơn, nhiều ý kiến cho rằng nên có một quỹ dịch thuật của nhà nước, nhằm hỗ trợ công việc biên dịch. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần có các cơ chế phù hợp để thu hút thêm nhiều đơn vị tư nhân tham gia vào việc đưa các tri thức mới của thế giới về Việt Nam.