Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian-Nhã Nam
Khuyến mãi & ưu đãi
- Đổi trả sản phẩm trong 14 ngày
- Giao hàng toàn quốc trong từ 2-3 ngày
- Freeship đơn trên 500K
100% sách bản quyền
Đổi trả miễn phí*
Tác giả | Ocean Vuong |
NXB | NXB Hội Nhà Văn |
Kích Thước | 15 x 26 cm |
Số trang | 304 |
Hình thức | Bìa Mềm |
Trong Nhật ký khóc thương, nhà phê bình học nổi danh người Pháp, Roland Barthes viết, “Nhà văn là người chơi đùa với thân thể mẹ mình, hòng tôn vinh nó, tô điểm nó”. Ocean Vương, nhà thơ trẻ gốc Việt với những bài thơ cháy bỏng, một tài năng văn chương đương đại, đã khẳng định vị thế nhà văn của mình, bằng Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian – cuốn tiểu thuyết tự thuật dưới dạng một lá thư đọc như một tập nhật ký rời rạc vừa chiêm nghiệm về thân thể mẹ mình, vừa để tụng ca nó.
Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian là một loạt những ký ức được lựa chọn để kể, mà ở nhiều trường đoạn, ký ức tràn ngập trong dòng văn tưởng chừng không cản nổi, như cơn lũ.
Đó là ký ức của một thằng bé xa lạ tìm một mối liên hệ với đất nước mới xa lạ, mà nó gần như trở nên vô hình. Đó là những trận đánh đập từ những kẻ bắt nạt ở trường mà nó phải chịu đựng khi tìm cách hòa nhập vào đời sống ở Mỹ. Đó là những sự kiện vụn vặt dở khóc dở cười của một gia đình nhập cư chỉ có đứa con đi học và biết nói, biết đọc, còn người mẹ “mồ côi” cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, chỉ bập bõm vài từ để giao tiếp. Đó là hình ảnh sống động của tiệm làm móng nơi người mẹ kiếm ăn độ nhật, nơi bà cả ngày cúi đầu vào chân người khác, nói xin lỗi, nơi ước mơ Mỹ được xây đắp và cũng tan vỡ, nơi bọn trẻ con Mỹ gốc Việt lớn lên, làm bài tập, ăn phở, chơi đùa. Đó là ký ức về cậu bạn trai đầu tiên, Trevor, người Chó Con quen khi đi làm thêm thu hoạch cây thuốc lá ở một trang trại ngoại ô Hartford. Mối tình ấy giờ đây khi nhớ lại khiến lá thư đầy ứ những hoài niệm vừa đẹp đẽ, vừa đau buồn.
Mối quan hệ mẹ – con trong Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian là một mối quan hệ rất phức tạp: đầy yêu thương, mà cũng đầy bạo lực; đầy cảm thông, mà cũng đầy sang chấn. Người mẹ ấy có thể tát con tới tấp, có thể nhốt con dưới tầng hầm ẩm ướt, nhưng người mẹ ấy bao bọc cho đứa con khi dám bộc lộ giới tính thật của mình bằng vài câu nói đầy tình yêu: “Con khỏi cần đi đâu hết. Có con với mẹ thôi, Chó Con à. Mẹ còn ai đâu”. Họ chỉ có nhau trên đời.
Chó Con liên tục trích dẫn Barthes trong lá thư của mình. Barthes viết: “Không đối tượng nào ở trong mối quan hệ thường trực với khoái cảm. Tuy nhiên, đối với nhà văn, tiếng mẹ đẻ chính là một thứ như thế”.
Câu chuyện của Vương là câu chuyện mà đứa con của chiến tranh nào cũng có, chính vì thế, rất nhiều người đọc thấy mình trong Vương, cảm thấy anh nói thay cho họ, gây được sự thấu cảm với hàng bao nhiêu độc giả. Chó Con từng chiêm nghiệm lúc ngắm bình minh, “Nếu đời sống một cá thể là quá ngắn ngủi, so với lịch sử hành tinh này, chỉ một cái chớp mắt, như người ta nói, vậy thì được rực rỡ, cho dù suốt từ ngày ta sinh ra đến ngày ta chết đi, là rực rỡ chỉ trong một thoáng”. Dường như suy nghĩ ấy áp dụng được cho toàn bộ cuốn tiểu thuyết này, một nơi chứa đựng gần như tràn lề tất cả những chủ đề lớn của văn chương: tình mẫu tử, tuổi mới lớn, chiến tranh, nhập cư, LGBT+, và vượt lên tất cả, đó là một suy tư đau đáu về sự rực rỡ thoáng chốc ấy của cái đẹp, của kiếp người phù du.
Đánh giá của độc giả