Banner header

[REVIEW] - CÂU CHUYỆN NGHỆ THUẬT: Cuốn cẩm nang đáng tin cậy cho bất kỳ ai muốn lên đường khám phá nghệ thuật

Sự sáng chói của Câu chuyện Nghệ thuật là điều không cần bàn cãi. 

Tên tuổi của tác giả, Sir E. H. Gombrich (1909-2001) không hề xa lạ với giới sử học nghệ thuật thế giới. Sinh ra trong một gia đình đại trí thức gốc Do Thái tại thành Viên, Áo, ông di cư sang Anh vào năm 1939 trước hiểm hoạ của chủ nghĩa quốc xã Đức. Từng là giáo sư tại London University, ông cũng nhiều năm giữ cương vị viện trưởng viện Warburg Institute và được mời giữ nhiều ghế giáo sư danh tiếng tại các đại học Oxford, Cambridge, Harvard và Cornell. Ông cũng nhận nhiều giải thưởng quốc tế (Goethe, Hegel và Erasmus), và được Hoàng gia Anh phong tước hiệp sĩ. Bên cạnh cuốn Câu chuyện Nghệ thuật (The Story of Art) được xem là một trong những cuốn sách nhập môn nghệ thuật thị giác quan trọng cho vô số thế hệ độc giả trên khắp thế giới, những tác phẩm khác mang tính lý thuyết khác của ông như Nghệ thuật và Ảo ảnh (Art and Illusion) và Suy tư về một chủ đề yêu thích (Meditation on a Hobby Horse) đã là những công trình học thuật được tham khảo chủ chốt của giới nghiên cứu lịch sử nghệ thuật cũng như có ảnh hưởng đến các nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau. 

Còn ‘lịch sử xuất bản’ của chính bản thân Câu chuyện Nghệ thuật cũng là một tiền đề hứa hẹn những ích lợi cho độc giả Việt. Ra đời lần đầu năm 1950, cuốn sách đã được tác giả liên tục bổ sung, cập nhật và tái bản thêm 15 lần nữa (lần cuối vào năm 1995, sau 45 năm cuốn sách ra đời lần đầu). Việc được dịch ra gần 30 thứ tiếng trên thế giới cũng chứng tỏ độc giả toàn cầu quan tâm đến cuốn sách như thế nào.

Lý giải thế nào về sự phổ biến của cuốn sách khắp năm châu và trong 70 năm qua?

Trước hết có lẽ phải nói rằng tác giả đã đặt trúng mục tiêu và hướng đúng độc giả. Trong lời tựa ở lần xuất bản đầu, ông đã nói rõ: “ Quyển sách này được viết ra với mong muốn dành tặng cho những ai muốn bắt đầu khám phá một lĩnh vực kì thú và lạ lẫm. Thay vì bày ra vô vàn tiểu tiết và khiến những kẻ ngoại đạo cảm thấy mông lung, cuốn sách này hy vọng có thể đưa độc giả đến một thế giới với những cái tên, thời kì và phong cách của các tác phẩm đầy tham vọng, theo thứ tự minh bạch và dễ hiểu nhằm giúp cho quá trình tiếp cận các tác phẩm chuyên ngành sau đó dễ dàng hơn. Khi viết cuốn sách này, tôi nghĩ đến trước hết là lứa độc giả thanh thiếu niên muốn tìm tòi và khám phá thế giới nghệ thuật. Tuy nhiên, bản thân tôi chưa từng nghĩ rằng cần có sự khác biệt trong sách dành cho người trẻ tuổi với người trưởng thành, ngoại trừ các bạn trẻ cần có khả năng phê bình để phát hiện ra dấu vết của thái độ tự phụ hay giả dối. Từ kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng đó là tệ nạn khiến cho nhiều độc giả phải hoài nghi mọi bài viết về nghệ thuật trong thời gian dài.”

Từ đó, tác giả đã chọn được văn phong và cách viết thích hợp, “… không chỉ cố gắng hết sức tránh sa vào những lỗi này, tôi sẽ sử dụng thứ ngôn ngữ giản dị, mạo hiểm việc giọng văn của mình có thể bị đánh giá là bình dân và thiếu chuyên nghiệp. Việc hạn chế tối đa sử dụng các thuật ngữ chuyên môn của giới sử học nghệ thuật không phải là do tôi né tránh khó khăn trong tư duy, nên tôi hi vọng các bạn không nhầm tưởng quyết định này với thái độ ‘coi thường’ độc giả.”

Với lối kể chuyện súc tích, gần gũi, cảm thông, cuốn sách dễ dàng chinh phục đông đảo bạn đọc. Nhưng nếu chỉ là văn phong thì chưa đủ. Tác giả đã đề ra những nguyên tắc rất khoa học để trình bày các chủ đề, có sức thuyết phục cả những người khó tính hoặc có trình độ, ví dụ như “chỉ tập trung vào những tác phẩm nghệ thuật thực sự, bỏ qua những gì theo thị hiếu hay xu hướng nhất thời,” và nhất quyết “… chỉ có tác phẩm nào chính tôi đã thấy tận mắt thay vì qua ảnh chụp lại mới được bàn đến.” Cái nguyên tắc cuối này có lẽ sẽ hạn chế số lượng tác phẩm/tác giả được giới thiệu vào sách, song có ưu điểm là rất thuyết phục bởi những gì được ‘kể’ sẽ truyền cảm, sinh động, hấp dẫn, như thể tác giả đang cùng độc giả trò chuyện với sự có mặt của tác phẩm/nghệ sĩ ngay trước mắt vậy.   

Bên cạnh đó, là nhà sử học nghệ thuật, tác giả đặt các tác phẩm vào góc nhìn lịch sử để độc giả hiểu rõ ý đồ nghệ thuật của các nghệ sĩ tại mỗi thời điểm, thời ki, nhất là tại những mốc thời gian có tính bước ngoặt, cách mạng: “… nếu người Ai Cập vẽ những gì họ biết, người Hy lạp vẽ cái họ thấy, thì nghệ sĩ Trung Cổ vẽ điều mình cảm nhận.”  Với châm ngôn “ngày tháng như những cái mốc để tấm thảm lịch sử được treo lên đó”, Gombrich đã đưa độc giả vào cuộc hành trình thú vị xuyên qua Lịch sử Nghệ thuật, từ những bức tranh hang động thời nguyên thuỷ cho đến nghệ thuật thử nghiệm của nửa đầu thế kỷ 20. Cho tới cuối hành trình (chương 27 của sách), ông tổng kết rằng mình đã “cố gắng kể lại Lịch sử Nghệ thuật như một câu chuyện về sự đan xen và thay đổi liên tục của các truyền thống, trong đó mỗi tác phẩm đều dựa vào quá khứ và cùng lúc hướng tới tương lai.”  

Đến đây, hẳn độc giả nhớ lại câu mở đầu của chương 1: “Xét cho cùng thì không có ‘nghệ thuật’. Chỉ có các nghệ sĩ mà thôi.” Gombrich ngay từ đầu đã nhấn mạnh quan điểm về sự tôn trọng tính đa văn hoá, rằng định nghĩa về nghệ thuật luôn thay đổi theo các nền văn hoá khác nhau, do đó, độc giả chớ mang nặng đầu óc định kiến trước khi bước vào tìm hiểu nghệ thuật, hay nói đúng hơn, trước khi bắt đầu đọc cuốn sách này. Ngoài ra, ông muốn lưu ý vai trò cá nhân của người nghệ sĩ và tác phẩm của họ ngày càng quan trọng hơn bao giờ hết (khác với ‘nghệ thuật dân gian’ và ‘nghệ thuật quần chúng’, vị trí của mỗi cá nhân nghệ sĩ khá mờ nhạt). Rõ ràng truyền thống, hay lịch sử, đều cần có và được xây dựng nên bởi những nhân vật lịch sử lỗi lạc và cụ thể. Chính Gombrich từng nói ở đâu đó: “Tôi tin rằng người ta nên học hỏi để có một sự tôn kính với những thành tích lớn lao của những con người vĩ đại.”

Trước khi kết thúc cuộc hành trình với Câu chuyện Nghệ thuật, tác giả không quên đề cập tới trách nhiệm của công chúng và thời đại đối với nghệ thuật/nghệ sĩ. Ông viết: “Chúng ta tin rằng thời nào chả có nghệ sĩ. Nhưng nghệ thuật có nảy nở hay không lại phụ thuộc một phần không nhỏ vào chính chúng ta, công chúng của những nghệ sĩ này. Chúng ta có thể quyết định vấn đề bằng sự thờ ơ hay hứng khởi, bằng thành kiến hay hiểu biết của mình. Chúng ta phải giữ cho sợi dây truyền thống không bị đứt đoạn để những nghệ sĩ khác cũng có cơ hội góp tài năng vào chuỗi ngọc trai quý giá mà chúng ta được hưởng từ quá khứ.”

Gấp cuốn sách lại, có lẽ không phải không có lý khi người đọc vận dụng ý này của Gombrich vào chính Câu chuyện Nghệ thuật: “Chúng ta cũng có thể nói rằng “Không thực sự có cái gọi là Lịch sử Nghệ thuật. Chỉ có các Sử gia Nghệ thuật”. Nếu không có các sử gia chân chính và khách quan, những cái-gọi-là ‘pho sử nghệ thuật’ chỉ là những mẩu giai thoại, những huyền thư đầy tự tôn, phiến diện, phục vụ những nhóm lợi ích hay áp chế xã hội, hoàn toàn không có giá trị khoa học.

Riêng với độc giả Việt ít có cơ hội tiếp cận các nguồn tư liệu quốc tế, phần “Ghi chép về những cuốn sách nghệ thuật” ở cuối sách có giá trị như một cẩm nang nhỏ bổ sung vào thư mục sách nghiên cứu lịch sử nghệ thuật cho những ai muốn tìm hiểu sâu hay tra cứu kỹ lưỡng từng chủ đề cụ thể mà cuốn sách đã đề cập trong các chương.  

Thật đáng mừng khi Câu chuyện Nghệ thuật phiên bản tiếng Việt ra đời tiếp nối ngay sau thành công vang dội của “Leonardo da Vinci” - ấn phẩm quan trọng mở màn cho bộ sách nghệ thuật đã và đang được nhà sách OMEGA+ dày công chuẩn bị và sẽ cống hiến cho độc giả Việt trong thời gian tới, thổi luồng gió mới vào phong trào đọc sách nghệ thuật ở nước ta đang bắt đầu có những chuyển biến tích cực. 

Chốt lại, Câu chuyện Nghệ thuật là tuyệt đối đáng đọc - một cẩm nang nghệ thuật đáng tin cậy cho bất kỳ ai muốn lên đường khám phá nghệ thuật !

 

Phạm Long

 

Sản phẩm đã được thêm vào giỏ hàng