Dù bạn là ai, ở bất kỳ độ tuổi hay hoàn cảnh nào, nếu bạn đang muốn tìm hiểu và khám phá sâu về Nghệ thuật, hãy chọn cuốn Câu chuyện Nghệ thuật của EH Gombrich như một điểm khởi đầu.
Nghệ thuật là một lĩnh vực trừu tượng, vì vậy khi mới tiếp xúc, mọi người thường bị choáng ngợp bởi vô vàn những rối rắm và tiểu tiết đặt cạnh các kiến thức và khái niệm chuyên ngành khó hiểu. Nhưng với “Câu chuyện nghệ thuật” của Gombrich, bạn sẽ cảm thấy như mình đang nắm trong tay tấm bản đồ của một vùng đất vĩ đại, cùng với đó là sự tự tin để dấn thân vào hành trình khám phá đầy thú vị này
Gombrich sử dụng cách dẫn dắt và ngôn ngữ rất dễ hiểu, hạn chế tối đa sử dụng thuật ngữ chuyên môn, vì thế mà ngay cả với những độc giả là người “ngoại đạo” vẫn có thể nắm bắt được đầy đủ đường hướng phát triển của câu chuyện. Tác giả không chép lại lịch sử mà “kể” lại câu chuyện nghệ thuật, tác giả không chỉ liệt kê đơn thuần các tác phẩm mà đặt chúng vào góc nhìn lịch sử, qua đó giúp độc giả hiểu được ý đồ nghệ thuật mà các nghệ sĩ muốn nhắm đến. Nội dung các chương được xâu chuỗi thống nhất đưa độc giả đến một trật tự dễ hiểu với phong phú những cái tên, những thời kỳ và phong cách vốn ngập tràn trong các tác phẩm đầy tham vọng, nhằm trang bị cho quá trình tiếp cận các tác phẩm chuyên ngành sau đó dễ dàng hơn
Một số điều thú vị mà bạn có thể học được từ các chương sách của Gombrich.
Đầu tiên Nghệ thuật là gì? Theo Gombrich, “Không có thứ gọi là Nghệ thuật. Chỉ tồn tại các nghệ sĩ ”. Nghệ sĩ là những người muốn tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đẹp nhất. Tuy nhiên, “rắc rối với cái đẹp là thị hiếu và tiêu chuẩn về cái đẹp khác nhau rất nhiều” - nói dễ hiểu thì Nghệ thuật và nghệ sĩ cũng đa dạng như con người - có nghĩa là thường có những ý kiến trái chiều và mâu thuẫn về nghệ thuật là thứ nhất định phải có, để thay đổi và để phát triển.
Thực tế và Lý tưởng: Một số người cảm thấy nghệ thuật phản ánh chính xác thực tế là đẹp nhất. Mọi người kiếm tìm trong tranh những gì họ cũng muốn thấy ngoài đời thực. Nhưng một số người khác lại thích nhìn mọi thứ ở dạng lý tưởng của họ chứ không nhất thiết phải giống thật nhất. Tiêu chuẩn và thị hiếu về cái đẹp thực sự rất đa dạng. “Khi cho rằng một bức tranh có lỗi sai về độ chân thực, chúng ta phải luôn tự hỏi bản thân mình hai điều. Thứ nhất, có phải họa sĩ vô cớ mà vẽ sai lệch đi những gì họ quan sát thấy không? Và nếu thế thì cuốn sách này sẽ mở ra câu chuyện về hội họa, giúp các bạn hiểu hơn những lý do ấy. Thứ hai, ta không nên kết tội một tác phẩm là vẽ sai trừ khi ta chắc chắn mình đúng và họa sĩ là người sai” Gombrich giải thích
Thiện kiến và thói quen: đây chính là những chướng ngại lớn nhất trong việc thưởng ngoạn các tác phẩm nghệ thuật. Những nỗ lực với con mắt hoàn toàn mới mẻ của người nghệ sĩ vĩ đại thường khiến những kẻ bảo thủ và cạn nghĩ bực bội. Caravaggio là một họa sĩ người Ý táo bạo và mang tính cách mạng đã được giao nhiệm vụ vẽ bức tranh Thánh Matthew viết phúc âm với sự giúp đỡ của một Thiên thần cho bàn thờ của một nhà thờ ở Rome. Bản thảo đầu tiên của anh ấy bị coi là một vụ bê bối! Caravaggio đã tưởng tượng một người đàn ông lao động lớn tuổi, nghèo khổ được chọn làm thánh và phải viết thánh kinh sẽ như thế nào. Anh vẽ một người đàn ông già hói với đôi chân bẩn đang được Thiên thần hướng dẫn cẩn thận theo cách mà giáo viên dạy học sinh trong trường. Nhà thờ đã thực sự tức giận với anh ta vì "sự thiếu tôn trọng" của anh ta đối với vị thánh. Anh phải làm lại nó.
Thực tế là “Sự học về hội họa là không bao giờ chấm dứt. Sẽ luôn có những chân trời mới để khám phá. Mỗi lần đứng trước các tác phẩm vĩ đại sẽ cho ta những cảm giác khác nhau. Chúng dường như mang trong mình sự vô tận và khó đoán không khác gì những con người thực”. Với những người yêu Nghệ thuật và là tín đồ của cái đẹp, đây là một cuốn sách đáng để đọc, đọc đi đọc lại, để ngẫm nghĩ và thưởng thức một cách đầy nâng niu như một tác phẩm xuất sắc kinh điển.
Alpha Books trân trọng giới thiệu!